Nguồn gốc và sự thuần hóa loài chó – Dogily Petshop
Do sự gần gũi và yêu mến của con người với loài chó mà người ta đã tìm cách lai tạo ra nhiều giống chó khác nhau. Sự can thiệp của con người qua nhiều thế kỷ với kết quả làm hoàn thiện đặc tính di truyền, từ đó những giống chó mới đã và sẽ được tiếp tục phát triển và hoàn thiện và đã được sự công nhận về giống từ các câu lạc bộ nuôi chó hoặc hiệp hội chăn nuôi chó của mỗi nước. Theo Evans (1993) cho rằng có khoảng 300 giống chó trên thế giới. Trong khi đó Prisco và Johnson (1990) ước chừng có khoảng 400 giống chó. Theo chúng tôi hiện nay trên thế giới có khoảng 450 giống chó. Mỗi quốc gia đều có những con chó đặc thù riêng của họ. Đông Nam Á là trung tâm thuần hóa chó cổ xưa nhất và có lẽ chủ yếu là ở Trung Quốc.
Những bức tượng và tranh vẽ trong các hang động của người cổ cho thấy một sự phong phú về những manh mối của sự xuất hiện những giống chó và vai trò của chúng trong xã hội loài người. Có 3 vấn đề then chốt liên hệ đến nguồn gốc của những con chó nhà:
(1) Loài chó hoang dã nào là tổ tiên của chó nhà?
(2) Thời điểm nào được xem là con chó hiện diện sớm nhất?
(3) Sự gia hóa loài chó xảy ra đầu tiên ở đâu?
Nguồn gốc từ chó sói
Lorenz (1954) cho rằng có những nhóm chó có tổ tiên từ chó sói và nhóm khác có nguồn gốc từ chó rừng. Zeuner (1963) cũng cho rằng những con chó nhà có nguồn gốc từ chó hoang dã vùng Á châu như nhóm Dingo và chó hoang. Trong khi đó qua khảo sát về cơ thể học cho thấy rằng bộ xương của con Dingo rất giống với chó sói nhỏ ở Ấn Độ (Canis lupus pallipes). Điều này cho phép nghi ngờ rằng, con Dingo có thể đã được thuần hóa từ những con chó sói Ấn Độ (Corbett, 1985). O’Brien (1987), Templeton (1989), Wayne et al. (1992) cho rằng: các bằng chứng của di truyền phân tử cho thấy chó nhà có liên hệ gần gũi với chó sói xám (Canis lupus) và không có căn cứ nào để ủng hộ cho giả thuyết của Lorenz cho rằng chó rừng là nguồn gốc của chó nhà. Và sau đó chính Lorenz (1975) đã từ bỏ ý kiến cho rằng chó rừng là nguồn gốc của chó nhà.
Brock et al. (1976), Wayne et al. (1989) dựa trên căn bản phân tích di truyền trong vòng một thập niên cũng đã rút ra kết luận rằng chó nhà đã được thuần hóa từ chó sói. Pugnetti (1980) những chó được thuần hóa đầu tiên bởi con người là từ những con chó sói, nó đã xuất hiện nhiều nơi trên thế giới cách đây khoảng 12.000 năm.
Như vậy với nhiều bằng chứng về phân tích di truyền hoặc di truyền phân tử, nhiều tác giả đã thống nhất rằng nguồn gốc của chó nhà ngày nay đã được thuần hóa từ chó sói.
Quá trình thuần hóa chó nhà
Vấn đề tiếp theo là việc xác định khi nào và ở đâu một con chó sói được thuần hóa thành chó nhà cũng là điều vô cùng phức tạp. Đã có nhiều giả thuyết cho rằng những bầy chó sói sống tự nhiên và quanh quẩn gần nơi ở của con người trong cả hai trường hợp du cư và định cư với mục đích để nhặt những mảnh thức ăn thừa. Từ đó một sự giao phối ngẫu nhiên nhất định phải xảy ra và không loại trừ trường hợp vài chó sói con có thể được bắt giữ lại trong gia đình (Mech, 1970; Limen, 1981). Ở đó những con chó sói đã được xã hội hóa với cộng đồng loài người, đó là điều kiện để chuyển từ chó sói thành chó nhà. Dần dần chúng được sử dụng trong việc săn mồi và canh giữ những con mồi mà người đã săn bắt được.
Giữa thập niên 1960, những bộ xương chó hóa thạch đã được tìm thấy trong hang Jaguar, được xác định thời điểm cách đây khoảng 10.000 năm (Lawrence, 1968). Hiện tại việc xác định dấu vết của con chó nhà xuất hiện sớm nhất là từ một mẫu xương hàm dưới ở cuối thời kỳ đồ đá tìm thấy tại Oberkassel ở Đức (Nobis, 1979) được xác định cách đây 14.000 năm. Sớm hơn 2.000 năm so với ở vùng Tây Á từ những bộ xương chó hóa thạch được xem như là bằng chứng của chó nhà. Và cùng thời điểm trên, chó nhà cũng đã được xác định vị trí của nó ở Bắc Mỹ. Từ đấy gợi cho người ta có cảm giác rằng sự gia hóa chó xảy ra độc lập ở nhiều nơi chứ không phải chỉ một chỗ. Điều này cũng phù hợp với nhận định của Wayne (1992).
Môi trường thiên nhiên thay đổi dần theo thời gian, những phương pháp săn bắt mới được ra đời: chuyển đổi từ việc dùng đá để ném sang phương cách rình mồi và bắn tên (Brock, 1984). Việc thay đổi phương thức săn bắt trong dó có sử dụng chó để cộng tác đã được xã hội hóa nhanh chóng. Chó sẽ thay con người để mang những thú săn về từ những nơi khó khăn như ở trong hang, dưới nước, đầm lầy (Washburn và Laucaster, 1968).
Việc say mê săn bắt ở thời Trung cổ đã khuyến khích việc tạo ra nhiều con chó lai đặc biệt. Dường như giống Mastiff và Greyhound là phổ biến hơn cả. Có lẽ do hai giống chó này có sức khỏe tốt, tốc độ nhanh, ngoại hình đẹp và sự thông minh làm cho chúng phù hợp đặc biệt để đi săn và canh giữ cũng như tạo được tình cảm gắn bó giữa người và chúng.
Những con chó ngày nay thay đổi nhiều cả về hình dạng lẫn kích thước. Chó sói và chó nhà mặc dù có một đường liên hệ chung nhưng lại phát triển theo hai hướng khác nhau:
- Chó sói còn tính hoang dã và hung ác
- Chó nhà thuần hóa hơn
Mặc dù vậy những đặc tính cơ bản của chúng vẫn còn tồn tại giống nhau qua nhiều thế kỷ như bộ xương, chức năng cơ thể, sự nhạy bén của khứu giác để đánh hơi và nghe ngóng. Cả chó nhà và chó sói đều ve vẩy đuôi như là một dấu hiệu của sự hài lòng. Đuôi cụp xuống giữa hai chân sau khi chúng sợ hãi. Môi uốn cong, nhe răng và gầm gừ là dấu hiệu của sự giận dữ hoặc sắp tấn công. Chúng có cùng thời gian mang thai, cùng bị một số bệnh và có các loài ký sinh cũng như nhau. Thế nhưng cũng có những nét khác biệt về cấu tạo của xương đầu giữa chó nhà và chó sói.
Bộ lông
Bộ lông bao phủ bên ngoài cơ thể chó, có hai loại:
Lớp lông bên ngoài (hay lớp lông phía trên) thường dài, thô hơn, đôi khi đứng cách biệt. Lớp lông bên dưới thường ngắn, mềm mại và rậm rạp, nó hỗ trợ cho lớp lông phía trên để che chở tốt cho cơ thể. Có nhiều giống chó mang cả hai loại lông được gọi là chó có bộ lông đôi. Ví dụ như những con old English sheepdog, German shepherd, Labeland terrier. Bộ lông đơn có ở nhóm Italian, Greyhound, Maltese, Pointer. Sau đây là một số kiểu lông tiêu biểu ở trên chó:
- Bộ lông giống gấu: Điển hình ở chó Eskimo. Bộ lông đôi gồm có lông phủ bên ngoài dài, liên kết với lớp lông mịn rậm rạp như len ở bên dưới giúp chó chống lạnh rét tốt.
- Bộ lông gợn sóng: Lông quăn, thô, cứng, đặc trưag trên những giống terrier. Bộ lông gợn sóng có lớp lông phủ bên ngoài thô và cứng, lớp lông mịn hơn ở bên dưới.
- Bộ lông dày đặc: Đây là kiểu lông tương đối hiếm, chỉ có trên vài giống. Điển hình như con puli của Hungary hay con Kourondor. Những sợi lông bện vào nhau một cách tự nhiên giữa lớp lông bên trên và lớp lông phía dưới tạo thành những sợi có bề rộng không đều nhau.
- Bộ lông nhẵn: Sợi lông ngắn, nằm sát vào nhau và ôm khít thân. Ví dụ như con Dachshund, Manchester terrier, Bull terrier.
- Bộ lông bóng mượt: Lông mượt mà, bóng láng, lộng lẫy, biểu hiện một sức khỏe tốt.
Hình dáng của đầu
- Đầu hình, chóp nón: Hơi có dạng tam giác khi nhìn từ hai bên cũng như nhìn từ trên xuống. Là dạng đầu chung nhất cho những giống như Dachshund, Doberman.
- Đầu giống cáo: Nét cơ bản của đầu là thon dài. Ví dụ như con Finnish spitz, Keeshond, Welshcorgi.
- Đầu rái cá: Đây là hình dạng đặc biệt của đầu thể hiện ở con border terrier.
- Đầu quả lê: Ví dụ con Bedlington terrier.
- Đầu hình chữ nhật: Nhìn nghiêng đầu có dạng hình chữ nhật. Ví dụ con wire Fox terrier.
- Đầu tròn: Mõm ngắn, đầu vừa rộng vừa vuông. Ví dụ con Prench bulldog.
Kiểu tai .
Tai cũng là một phần quan trọng của tiêu chuẩn giống. Tai có thể ngắn, dài, lớn, nhỏ, mọc ở phần cao hay thấp của đầu, độ dày mỏng của thùy tai, tính linh động, tất câ đều trở thành nét đặc trưng cá thể của nhiều giống. Hình dáng tổng quát của tai chó được chia làm 3 nhóm chính:
- Tai đứng: Ví dụ con German shepherd, West highland, White terrier.
- Tai cụp: Tai được treo lòng thòng. Ví dụ các giống chó cảnh Spaniel, Dachshund, Poodle.
- Tai nửa cụp: Chỉ có phần trên của chóp tai cụp xuống. Ví dụ con Collie, Pox terrier.
Trong thực tế có những sự biến động lớn xảy ra bên trong các nhóm như vị trí của tai trên đầu, hình dáng và kiểu của thùy tai. Sau đây là một số kiểu tai thường thấy:
+ Tai hoa hồng: Tai cụp, nhỏ, có nhiều nếp nhăn về phía sau. Ví dụ con Whippet, Bulldog.
+ Tai dơi: Tai hoàn toàn thẳng đứng, hình dáng rất giống tai con dơi. Thùy tai rộng, mặt tai quay về phía trước, chóp tai tròn. Ví dụ con Cardigan welsh corgi.
+ Tai tulip: Có sự khác biệt với loại tai dơi. Hầu hết những tài liệu Châu Âu định nghĩa loại tai tulip có bờ thẳng đứng, cứng, ít quăn, giống như một cánh hoa tulip. Ví dụ con Prench bulldog. Trong khi đó những tác giả người Anh định nghĩa loại tai tulip giống như là tai hoa hồng bình thường hoặc nửa cụp. Ví dụ con British bulldog, Fox terrier.
+ Tai hình chữ V: Thông thường có dạng hình tam giác, nhưng không phải tất cả mọi trường hợp đều luôn luôn như vậy. Khoảng cách từ gốc tai tới đỉnh tai dài. Ví dụ con Bull mastiff, Hungarian puli.
Cũng có những loại tai tương tự nhưng ngắn hơn và đứng thẳng thì thuộc vào nhóm tai hình tam giác. Ví dụ con Siberian husky, Belgian tervueren mountain Alaska malamute.
Kiểu đuôi
Đuôi là phần cuối của cột sống, bao gồm 18-22 đốt sống đuôi. Gốc đuôi nối với phần cuối của xương thiêng (xương khum). Đuôi có nhiều biến đổi hơn là những phần khác của cơ thể. Hình dáng của đuôi là một trong những đặc điểm riêng biệt của mỗi giống. Đuôi có thể ngắn, dài dày hoặc mỏng.
Việc gọi tên và mô tả cho những loại đuôi khác nhau có nhiều khác biệt giữa các giống. Dựa vào những nét đặc trưng của đuôi, người ta chia làm 9 kiểu đuôi tiêu biểu và được mô tả bởi Pugnetti (1980) và Spira (1982) như sau:
(1) Đuôi vòng: Loại đuôi này luôn luôn là một sự ám chỉ đến đuôi dài. Tất cả hoặc một phần của đuôi uốn cong thành vòng tròn. Đó là kiểu đuôi bình thường của nhiều giống chó như Afghan hound, German shepherd.
(2) Đuôi hình lưỡi liềm: Đuôi uốn cong lên phía trên lưng nhưng không ép sát vào mặt đối diện của lưng. Ví dụ con Siberian husky.
(3) Đuôi sóc: Đuôi dài gập góc về phía trước dọc theo đường giữa của lưng, nhưng không chạm vào lưng. Ví dụ con chó Bắc Kinh (Pekingese).
(4) Đuôi xoắn: Gồm hai trường hợp xoắn đơn hoặc xoắn đôi qua lưng: chỉ có một vòng xoắn qua lưng, ví dụ con Lhasa apso, Alkhound. Có một vòng xoắn nằm ở chỗ thắt lưng với điểm chóp đuôi hướng về phía đùi. Ví dụ con Finnish spitz. Xoắn kép qua hông ví dụ như con chó Pug.
(5) Đuôi giống cái mở nút chai (đuôi đinh vít): Đuôi ngắn, xoắn như cái mở nút chai. Ví dụ con Boston terrier.
(6) Đuôi dựng đứng (đuôi cờ): Đuôi dài, dựng thẳng đứng nhưng hơi lệch về phía phải của đường lưng. Ví dụ con Beagle.
(7) Đuôi lông chim: Có nhiều lông dài mọc trên đuôi giống như đuôi chim. Ví dụ đuôi của chó Chinese crested dog. Lông che phủ từng phần hay toàn bộ của đuôi. Còn con chó Pomeranian và Pekingese lông chỉ che phủ trên mặt lưng.
(8) Đuôi lưỡi kiếm: Có khi uốn cong lên trên hoặc xuống dưới. Ví dụ con Basset hound và German shepherd. Hoặc loại đuôi mã tấu như ở con English setter.
(9) Đuôi rái cá: Đuôi mạnh mẽ, dày ở gốc đuôi và thon nhỏ về phía chóp đuôi. Có lông rậm, dày nhưng ngắn. Mặt dưới của đuôi phẳng, hơi tròn, có cấu trúc đặc biệt để hoạt động như một bánh lái trong khi bơi. Đó là đặc điểm của đuôi giống chó LabraDor retriever.
Các chỉ số về sinh lý sinh sản của chó
Những chỉ số về sinh lý sinh sản của chó
Số TT | Chỉ tiêu | Bình quân | Biến động |
1 | Tuổi thành thục ở thú đực | 9 tháng | 6 – 12 tháng* |
2 | Tuổi thành thục ở thú cái | 10 tháng | 7 – 13 tháng* |
3 | Tuổi trưởng thành | 1 năm *** | – |
4 | Thời gian động dục | 8 ngày | 6 – 10 ngày* |
5 | Khoảng cách giữa hai kỳ động dục | 6 -8 tháng | 5 – 11 tháng* |
6 | Thời gian mang thai | 62 – 63 ngày | 59 – 66 ngày* |
7 | Số con trong một lứa:
– Giống nhỏ vóc – Giống trung bình – Giống lớn vóc |
3 – 4 con 6 – 7 con 7 – 8 con |
1 – 5 con* 2 – 10 con* 3 – 15 con* |
8 | Tỷ lệ giới tính (đực/cái) | 103,4/100* | |
9 | Thời gian cho sữa | 6 tuần | 5 – 8 tuần* |
10 | Thời gian dứt sữa | 8 – 9 tuần*** | |
11 | Mùa phối giống | Tháng 1, 12* | |
12 | Tuổi thọ | 13 – 17 năm | Tới 34 năm** |
13 | Thân nhiệt đo ở trực tràng | 38,9 | 36,7- 40,4 |
14 | Nhịp thở | 15 – 18 lần /phút** | |
15 | Nhịp tim | 70 – 100 lần/phút** |
https://dogily.vn/cho-canh/nguon-goc-va-su-thuan-hoa-loai-cho/